Nhà máy sứ Hải Dương - 53 năm một chặng đường
(20/04/2011 12:00:00 SA)
Hải Dương là quê hương của nhiều lò gốm cổ với những sản phẩm và nghệ nhân nổi tiếng được thừa kế và duy trì cho đến nay.
Sản phẩm của công ty Sứ Hải Dương TK 20
Để phát huy truyền thống nghề gốm của tỉnh nhà, ngày 1/6/1959 chính thức khởi công xây dựng nhà máy sứ Hải Dương với sự chứng kiến của bộ trưởng Lê Thanh Nghị. Đến ngày 2/9/1960 những sản phẩm sứ đầu tiên được ra lò. Sứ Hải Dương ra đời là một sự kiện đánh dấu mốc son cho ngành sứ Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam tự sản xuất được sản phẩm sứ phục vụ cho nhu cầu dân sinh, khẳng định được sự độc lập tự chủ cho một ngành của đất nước non trẻ. Ngày 2/9/1960 được lấy làm ngày thành lập nhà máy. Công nghệ sản xuất được tiếp thu của Trung Quốc. Năm 1961 sau khi chuyên gia bạn về nước thì toàn bộ quản lý sản xuất và kỹ thuật do Việt Nam làm chủ. Năm đầu tiên 1961 nhà máy sứ sản xuất được 1.580.723 sản phẩm với giá trị 731.368 đồng. Năm 1965 đã nâng lên 7.270.345 sản phẩm và giá trị 4.032.457 đồng. Sản phẩm chính là: đồ gia dụng, sứ điện... . Các sản phẩm xuất ra phải phân phối theo hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Ngày 26/7/1962, nhân dịp về thăm Hải Dương, Bác Hồ đã dành thời gian đến thăm Nhà máy sứ. Khi đến thăm một phân xưởng sản xuất, Bác trực tiếp viết vào một bình hoa “phải cố gắng tiến bộ”. Từ đó tập thể cán bộ và công nhân nhà máy luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, không ngừng phấn đấu vươn lên, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bình hoa có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương ngày 26/7/1962
Những năm 1966 - 1975: Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ nhà máy vẫn cố gắng hoàn thành kế hoạch sản xuất, cung cấp hàng sứ thiết yếu trong nước và còn xuất sang các nước Cuba, Lào, Campuchia, Hunggari, Balan, Môngcổ...
Năm 1976 -1986 thời kỳ bao cấp, nhà máy sản xuất đảm bảo sản phẩm tiêu dùng cho toàn dân và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Cuba. Nhà máy đã sản xuất giấy hoa dưới men, điện quang đủ cho nhu cầu nhà máy và chi viện cho các loại sứ địa phương. Nhà máy cử cán bộ đi học tập ngành sứ tại Tiệp Khắc và Đức, ứng dụng nhiều tiến bộ vào sản xuất, dùng lò nung Tuynel.
Thời kỳ 1986 - 2000 chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, nhà máy gặp nhiều khó khăn, máy móc thiết bị cũ, vốn thiếu, sản phẩm đơn điệu, chất lượng xấu, giá thành cao. Nhà máy đã khắc phục được và đến năm 1990, sứ Hải Dương đã lấy lại được thị trường trong nước và đã vươn ra thị trường nước ngoài, xuất khẩu sang Nhật Bản, Italia và một số nước xã hội chủ nghĩa.
Ngày 9/10/1992, Bộ công nghiệp có quyết định 921/CNN - TCLĐ chuyển đổi tổ chức và hoạt động của nhà máy sứ Hải Dương thành Công ty sứ Hải Dương. Năm 1995, Công ty đã đưa cơ chế khoán đến từng người lao động. Những năm này sứ Hải Dương đã sản xuất được sứ cao cấp cho nhà hàng, khách sạn, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu sang Bỉ, Pháp, Đức.
Những năm 2000 - 2005: Bước vào thập kỷ thứ 5 trong lịch sử phát triển của mình, sứ Hải Dương đã có chuẩn bị cho bước phát triển mới thông qua việc cải tiến công nghệ và mở rộng công suất. Từ năm 1999 - 2004 đầu tư xây dựng được 7 lò con thoi Trung Quốc. Năm 2000 - 2001 xây dựng lò Tuynel Đức. Công ty đầu tư vào sản xuất giấy hoa để tự sản xuất ra hoa văn trang trí cho sản phẩm mà trước đây chỉ có nhập khẩu.
Năm 2003 Công ty đạt sản lượng 24 triệu sản phẩm, chất lượng cũng được nâng cao, đời sống cán bộ công nhân viên được cải thiện.
Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngày 7/5/2004, Bộ trưởng Bộ công nghiệp ký quyết định số 35/2004/QĐ - BCN chuyển Công ty sứ Hải Dương thành Công ty cổ phần sứ Hải Dương.
Năm 2005 - 2007 sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2008, Công ty dừng sản xuất lò Tuynel Trung Quốc chỉ còn duy trì sản xuất chủ yếu trên lò Tuynel Đức. Năm 2008, Công ty thua lỗ 13.2 tỷ đồng tương đương 62% vốn điều lệ. Tổng số nợ 42.4 tỷ đồng gấp 5 lần số vốn còn lại.
Được sự quan tâm của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, công ty đã được SCIC hỗ trợ để tìm đối tác chiến lược tái cơ cấu công ty, sản xuất kinh doanh đã có lãi. Năm 2010, Công ty đã tiến hành hàng loạt các cải tiến máy móc thiết bị, hệ thống lò nung được cải thiện với chất lượng nâng cao trong khi chi phí nhiên liệu giảm 30 -40%. Hệ thống lò Tuynel Trung Quốc đã hoàn tất phần cải tạo và đang trong quá trình hiệu chỉnh. Năm 2010 đạt sản lượng 16 triệu sản phẩm, doanh số đạt 80 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 5 tỷ đồng.
Những năm gần đây, Công ty sứ sản xuất chủ yếu phục vụ trong nước. Sản phẩm có bộ đồ ăn và bộ đồ uống như bát cơm canh, đĩa, ấm chén các loại. Đề tài trang trí hoa lá các loại như hoa cúc, hoa hồng, hoa đào, hoa sen, hoa dây cách điệu. Máy móc thiết bị của Trung Quốc, nung bằng lò Tuynel. Nguyên liệu dẻo như đất sét, cao lanh nhập khẩu của Ấn Độ, Trung Quốc và mua trong nước. Công ty tự sản xuất đề can hoa dán vào sản phẩm. Hàng năm tiêu thụ 11 - 12 triệu sản phẩm.
Để bảo tồn, tôn vinh gốm cổ và góp phần thúc đẩy sự tiếp nối truyền thống nghề gốm của tỉnh ngày càng phát triển, Bảo tàng Hải Dương đã xây dựng Nhà trưng bày gốm sứ Hải Dương. Trong đó có trưng bày sản phẩm của Nhà máy sứ Hải Dương bao gồm: bình hoa có dòng chữ của Bác “phải cố gắng tiến bộ”, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa, và các đồ gia dụng khác...
Công ty cổ phần sứ Hải Dương đã trải qua trên 50 năm xây dựng và trưởng thành với biết bao thăng trầm, trăn trở để vượt lên theo mỗi chặng đường của đất nước. Công ty đang từng bước lấy lại hình ảnh và vị thế dẫn đầu ngành sứ mà sứ Hải Dương đã từng duy trì trong suốt nhiều thập kỷ trước.
Nguyễn Thị Liên
Tài liệu tham khảo:
1 - “Sử ký sứ Hải Dương”, xuất bản năm 2010.
2 - Sách “Gốm Chu Đậu”, xuất bản năm 1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét