Canh măng - người ta thường nấu thịt bò, nấu sườn, ngon hơn thì nấu vịt hay ngan nhưng ít ai biết đến món canh măng nấu với mực. Món ăn là sự kết hợp tuyệt vời giữa hương vị mặn mòi của biển với vị ngăm đắng của măng rừng. Nằm cách Hà Nội có 10km, làng Bát Tràng từ lâu đã quá quen với món canh này mỗi khi giỗ tết.
Măng khô sau khi ngâm được tước thành những cọng mảnh.
Canh măng mực chỉ ở Bát Tràng mới có nên có tên gọi riêng "Canh măng mực Bát Tràng". Nghe thì đơn giản nhưng theo kinh nghiệm của người làng Bát Tràng thì để làm món này cần thực hiện rất nhiều công đoạn, từ việc ngâm măng, rửa mực đến cả việc chuẩn bị nồi nước dùng sao cho ngọt.
Để làm món canh măng mực đầu tiên là ngâm măng và mực khô cho mềm, việc này phải được thực hiện từ tối hôm trước. Măng và mực khi đã mềm, và bớt tanh được tước thành những sợi như que tăm, để khi nấu 2 nguyên liệu này quyện với nhau trông thật đẹp mắt. Vì măng và mực đều không thể tiết ra nước ngọt nên để có một bát măng mực thơm ngon thì cần ninh thịt và xương để làm nước dùng cho ngọt. Nếu muốn nồi nước dùng được trong thì ninh cổ cánh gà. Nước xương gà cho màu sáng trong, nước ngọt và không quá béo. Mực, thịt ba chỉ chuẩn bị cho vào nồi xào qua cho ngâm mắm muối.
Ngoài hai nguyên liệu chính là măng và mực, người ta còn cho thêm thịt ba chỉ thái mỏng để thêm độ béo ngậy cho bát canh. Nhưng trước khi nấu thì phải mang xào qua măng, mực và thịt cho ngấm mắm mỡ rồi mới đổ vào nồi nước dùng ninh nhỏ lửa từ 20 – 30 phút. Không nên đun lâu quá vì măng sẽ nhừ, mực sẽ nát, thịt sẽ bở không còn là món măng mực Bát Tràng nữa.
Không biết món canh măng mực Bát Tràng này có tự bao giờ, chỉ biết cho đến nay, món ăn này vẫn được người Bát Tràng giữ gìn và coi như một nét đặc sắc của làng cổ vốn nổi tiếng về nghề gốm này. Để có thể cảm nhận được hương vị chính thống, bạn hãy ghé thăm làng cổ Bát Tràng để được thưởng thức món ăn này.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét