Đi xe trâu khám phá làng gốm Bát Tràng
thứ 5, 09/05/2013 01:57:47- chuyên mụcĐời Sống|Du Lịch|
Tin liên quan
“Tôi đã được xem múa rối nước và bây giờ là đi xe do trâu kéo, rất đặc biệt, rất Việt Nam, chỉ ở Việt Nam mới có” - bà Michicô (du khách người Nhật) thốt lên. Còn cô con gái của bà Michicô là cô Mayumi thì vừa cười, vừa đưa tay xoa nhẹ đầy âu yếm vào lưng con trâu như để tạm biệt nó trước lúc rời khỏi làng gốm.
NÊN ĐỌC
Du khách trong và ngoài nước khi đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đều cảm thấy thích thú khi được đi trên những cỗ xe do trâu kéo thư thả tham quan làng nghề. Giờ đây Bát Tràng không chỉ được biết đến là một làng chuyên sản xuất các mặt hàng gốm sứ mà còn được biết đến như một vùng đất mang phong cách du lịch độc đáo: đưa con trâu vào làm du lịch.
Người khởi xướng ra phương tiện xe trâu phục vụ khách du lịch Bát Tràng là anh Nguyễn Minh Hải, sinh năm 1970, người làng Bát Tràng, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Minh Hải, cũng là một trong hai đơn vị chủ quản của phương tiện này tại Bát Tràng. Đi lên từ đôi bàn tay trắng, anh Hải đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh gốm sứ - nghề truyền thống lâu đời của làng quê. Trong những tháng ngày ngược xuôi trong nước và ra cả nước ngoài quảng cáo hàng cho công ty, anh chợt nghĩ: Gốm, sứ thì nhà ai cũng có cả, muốn được nhiều người biết, tìm đến và nhớ đến công ty thì phải có cái gì mới lạ, hấp dẫn, độc đáo. Thế là ý tưởng làm xe do trâu kéo phục vụ khách du lịch nảy sinh. Anh chọn trâu mà không dùng bò hoặc ngựa bởi lẽ con trâu đã gắn bó thân thuộc với làng quê, với người nông dân cả nghìn đời nay. Anh bảo hồi đi học cấp 3 đã từng nghe câu thơ của một thi sĩ: “Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn/ Đủng đỉnh về nơi quê hương mới lạ”. Ngờ đâu, lớn lên được chứng kiến cảnh này thật thú vị.
Thế rồi anh Hải cũng những lái trâu có kinh nghiệm lặn lội lên miền ngược để “tuyển lựa” trâu. Tiêu chuẩn chọn trâu kéo xe được đề ra khá khắt khe. Trâu phải là trâu đực to, khỏe, vóc dáng đẹp, sừng dài, cong đều, nước da đen bóng, thuần tính... Sau nhiều ngày săn tìm, đôi trâu mộng ưng ý nhất được lái đưa về từ Sơn La. Tuy nhiên, để huấn luyện được trâu làm du lịch cũng không phải là chuyện dễ, bởi trâu quen với núi rừng, ruộng nương, đường bản, nay lại bắt nó chở người đi dạo phố, rồi suốt ngày phải tiếp xúc với nhiều người, chịu đựng khói bụi, tiếng còi ôtô, xe máy, đi lại theo lịch trình... Suốt hai tháng ròng người ta dắt trâu đi đi, lại lại theo một lộ trình đã định sẵn trong làng để trâu vừa thuộc đường, vừa quen tai những âm thanh vốn xa lạ với chốn núi rừng như tiếng còi xe, tiếng máy công nông..., quen mắt với các sắc màu rực rỡ, lòe loẹt vốn hay làm cho trâu giật mình mà phi nước đại như điên. Không những thế, vừa đi, người lái xe vừa phải vỗ về, trò chuyện với trâu như người bạn. Phải tốn rất nhiều mồ hôi và công sức thì những chú trâu sau một thời gian huấn luyện mới trở nên lành nghề, thạo việc. Khi nghe những tiếng “vắt” (là rẽ trái), “diệt” (là rẽ phải), “họ” (là dừng lại), chú trâu như “hiểu” được tiếng người, nên lúc thì rẽ trái, rẽ phải, lúc thì dừng lại cho khách mua hàng, hay chụp ảnh răm rắp theo hiệu lệnh.
Khám phá phố phường Bát Tràng trên xe trâu
Chiếc xe trâu được đóng mới có sàn và sườn xe làm bằng gỗ chắc chắn, có mái che và ghế ngồi cho khoảng 10 - 12 du khách, bộ chuyển động được dùng từ bộ bánh hơi của xe ô tô, với giá gần 20 triệu. Mỗi khi đủ khách là xe chạy (khoảng 10 - 12 người). Với mức giá 5USD/người cho mỗi tour du lịch trọn gói bằng xe trâu,
khách du lịch được miễn phí tham quan vào các xưởng gốm, nhà cổ, nhà trưng bày, chợ... và khi khách muốn dừng lại tại đâu, chủ xe sẽ đứng chờ bao lâu là tùy thuộc vào khách. Còn đi theo giờ là 45.000 - 50.000 đồng/ người.
Khiếm khuyết lớn nhất của trâu là mùi mồ hôi, do vậy cứ sau hai lượt kéo người ta lại phải xịt nước tắm cho trâu một lần, lau khô rồi xức nước hoa cẩn thận. Ngay cả thức ăn, nước uống cho trâu cũng được chọn lựa kỹ càng để trâu đảm bảo sức khỏe, không bệnh tật. Thường là cỏ non đồng bãi, cháo gạo, cám ngon.
Anh Đàm Văn Phúc - một nông dân chính hiệu với thâm niên chăn bò, chăn trâu, cho biết: Mỗi buổi sáng, anh phải thức dậy từ rất sớm để chăm sóc cho chú trâu của mình. Ăn uống xong, trâu được ông chủ chải chuốt lại lông rất cẩn thận và xịt nước hoa thơm phức. Móng chân của trâu cũng được kiểm tra lại lần cuối trước khi “xuất trận”. Chú trâu được chiều chuộng chẳng khác nào một con vật cưng.
Chiếc xe trâu di chuyển chậm rãi, túc tắc, đủng đỉnh, thơ thẩn chẳng vội vàng như ru hồn lữ khách về với cội nguồn của chốn tĩnh lặng, yên bình. Cuộc sống thường ngày của người dân làng gốm hiện ra trước mắt sinh động và gần gũi. Những cửa hàng bán đồ gốm đủ màu sắc, chủng loại chầm chậm trôi qua trước mắt mọi người như một đoạn phim quay chậm, phô bày hết tất cả những gì đã làm nên danh tiếng gốm Bát Tràng, khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từng chiếc xe máy chở hàng về Hà Nội đang bon bon trên đường, các chồng hàng gởi đi xa được đóng kiện một cách cẩn thận. Những con ngõ nhỏ hút sâu của làng gốm, những bờ tường gạch rêu phong dãi dầu mưa nắng..., khiến lòng người bỗng nhiên thấy hoài cổ, thấy nhớ và yêu da diết làng quê Việt.
Ngồi trên xe, du khách vừa trò chuyện rôm rả vừa có thể chụp ảnh. Bà Koide Yoko (du khách Nhật Bản) không giấu nổi cảm xúc của mình khi được đi xe trâu nên hỏi phiên dịch đủ thứ chuyện. “Tôi cứ tưởng nó đi nhanh lắm, ai ngờ lại đi rất chậm nên thật thú vị. Trâu bước những bước đi chậm rãi, còn người cũng thảnh thơi ngắm phong cảnh” - bà Koide Yoko cho biết. Còn anh Peter (du khách Mỹ) thì trầm trồ khen con trâu đẹp. Anh bảo: “Lúc đầu tôi cũng sợ, nhỡ may trâu bực mình nó chạy thẳng xuống ruộng thì sao. Nhưng sau đó thì tôi hoàn toàn yên tâm vì trâu được huấn luyện rất chuyên nghiệp. Xem cách đi của nó thì biết…”. Cũng giống anh Peter, anh Token (du khách Úc) tâm sự: "Thật sự khác lạ, chúng tôi được ngồi xe trâu đi tham quan, vừa thong dong lại vừa được nghỉ ngơi, lúc đầu tôi thực sự sợ xe sẽ bị mất kiểm soát, nhưng giờ thì tốt rồi, nhất định tôi sẽ chụp ảnh cũng chú trâu này để về làm kỷ niệm sau khi kết thúc chuyến du lich này".
Trong lúc xe đi vòng quanh làng Bát Tràng, xe trâu lại dừng lại ở một vài điểm để du khách mua sắm đồ gốm sứ hay thăm các xưởng sản xuất. Trong khi đó, chủ trâu lại tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi để nghỉ ngơi. Thức ăn đã mang theo sẵn, nước uống cũng được ông chủ sẵn sàng để… “chiêu đãi” chú trâu sau một chuyến hành trình vất vả. “Mỗi ngày một con đã ngốn hơn một gánh cỏ ngon và khoảng 20.000đ tiền cám. Đấy là chưa kể thỉnh thoảng bồi dưỡng cho nó một ít thịt, cá…” - anh Phúc cho biết.
Điểm xuất phát hành trình du lịch được bắt đầu từ UBND xã, rồi vòng quanh làng, thăm lò gốm cổ, các cửa hàng trưng bày sản phẩm cùng một số di tích lịch sử... Điểm dừng cuối cùng của chuyến đi là một lò gốm cổ làm bằng than. Tại đây, khách có thể tự do tham quan các công đoạn để cho ra đời một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, từ khâu đúc khuôn, vẽ hoa văn, cho vào lò nung… Nếu thích, khách có thể tự tay làm cho mình một sản phẩm với sự giúp đỡ của những thợ lành nghề nơi đây. Khi đặt chân xuống đất, kết thúc một chuyến du lịch độc đáo và đầy mới lạ, có thể bạn vẫn còn nguyên cái cảm giác thích thú như vừa mới bắt đầu.
Do lượng khách đến Bát Tràng và có nhu cầu dạo quanh làng gốm bằng xe trâu ngày một đông nên từ tháng 3-2008, Công ty du lịch Minh Hương (thôn Giang Cao) đã cho ra đời thêm hai xe trâu mới, lấy điểm xuất phát là chợ gốm Bát Tràng.
Xe trâu Bát Tràng phục vụ du khách tham quan làng nghề
Ý tưởng dùng xe trâu như một hình thức quảng cáo đã đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Liên tục từ tháng 3 năm 2005 đến nay, mỗi ngày hai cỗ xe trâu phục vụ ít nhất là 5, 6 đoàn khách, mỗi đoàn từ 3 đến 10 người. Anh Nguyễn Thế Quang - nhân viên quản lý bán hàng của công ty Minh Hải, cho biết: Không phải ai đến đây cũng có cơ hội đi xe trâu bởi các công ty du lịch đã đăng ký theo tour kín hết cả ngày. Với mức giá khá "mềm" nên tour du lịch đặc biệt này lúc nào cũng đắt khách. Xe trâu lúc nào cũng hoạt động hết công suất, đặc biệt là dịp Tết. Vào những hôm đông khách thỉnh thoảng cũng xuất hiện tình trạng phe vé xe trâu. Nếu so sánh với một vài loại phương tiện du lịch đặc sắc khác như xe ngựa ở Nha Trang, Đà Lạt, xe xích lô ở Hà Nội, Huế, xe lam ở đồng bằng sông Cửu Long... thì xe trâu có nhiều điểm thú vị riêng, đặc biệt đối với du khách nước ngoài, nhiều nhất phải kể đến khách Nhật Bản và châu Âu.
Chị Nguyễn Thị Hương, người đánh xe trâu, cho biết: “Hằng ngày tôi phải đi từ sáng đến chiều mới có thể đáp ứng được nhu cầu của khách. 99% khách đi tour là người Nhật vì họ rất thích loại hình du lịch này, phần lớn họ đặt tour trước khi sang VN”. Đơn cử như, 3 khách du lịch người vùng Kôbê (Nhật Bản) hết giơ hai tay lên trời rồi lại ấp vào ngực để diễn tả cảm xúc khó nói được thành lời sau một tour thăm thú làng gốm cổ bằng xe trâu.
Bên cạnh sự đổi thay sầm uất của một làng nghề truyền thống, cỗ xe trâu vẫn cần mẫn đi về như tô đậm thêm bức tranh làng quê trong thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ ý tưởng và tình yêu quê hương của một anh “trai làng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét